Trong câu chuyện các ta-lâng được ghi lại trong Phúc Âm Ma-thi-ơ 25:14-30 mà hết thảy chúng ta rất quen thuộc, điều Chúa đòi hỏi nơi chúng ta là trung tín.
Trung tín (faithfulness) nguyên ngữ Hy Lạp là danh từ “pistis”. Chữ “pistis” trong Tân Ước được dùng ởcả hai thể chủ động cũng như thụ động. Trong thể chủ động (active) “pistis” là đức tin, niềm tin, tin cậy. Trong thể thụ động (passive) có nghĩa là trung thành, đáng tin cậy (reliability), trung thành (fidelity). Chữ trung tín (faithfulness) lấy ra từ chữ đức tin (faith). Một người đặt niềm tin mình vào Chúa, tin cậy nơi Chúa, phó thác cho Chúa thì người đó phải bày tỏ qua sự trung tín.
Ga-la-ti 5:22 “Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.”
Đối với người nhận lãnh hai ta-lâng và năm ta-lâng và đã làm lợi ra, người chủ đều có cùng một câu trả lời, dù rằng có sự cách biệt khá xa giữa hai và năm “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi.”
Những người nầy đã phục vụ chủ dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, là đầy tớ trung thành, đáng tin cậy. Đầy tớ làm hết bổn phận của mình.
Nhưng người chỉ nhận được một ta-lâng có nhiều lý do để biện hộ cho sự “lo sợ” của mình (c.25). Sợkhông sinh lợi, sợ bị thất bại, sợ bị chủ phạt. Người nầy quên mất lý do người chủ giao số ta-lâng cho mình là để thực hiện ý muốn của chủ. Nếu chỉ giữ nguyện vẹn số ta-lâng như cũ chắc chắn người chủ không cần giao cho đấy tớ mình. Điều quan trọng trong ví dụ nầy là cuối cùng của sự trung tín là “đến hưởng sự vui mừng của Chúa” chứ không phải là kết quả của một, hai, hay năm ta-lâng. Nhiều khi chúng ta sợ không thành công, sợ người khác chê cười… đã không dám sử dụng những gì Chúa giao cho chúng ta trong đó có khả năng, tiền bạc, thì giờ… để phục vụ Ngài.
Chúng ta thấy không phải là không có lý do khi người không sử dụng điều mà người chủ đã giao phó cách trung tín, dù chỉ một ta-lâng, và bị chủ quăng ra ngoài là chỗ tối tăm, nơi có khóc lóc và nghiến răng. Ấy là vì người đầy tớ nầy đã không đặt niềm tin vào nơi Chúa trọn vẹn. Sự bất trung nói lên lòng nghi ngờ chủ và điều đó thể hiện cho sự không hoàn thành công tác chủ giao phó.
Trung tín, dù trong việc rất nhỏ, nói lên đức tin, niềm tin cậy của chúng ta vào Chúa là Đấng Yêu Thương, Thành Tín và Công Bình. Trung tín sẽ làm chúng ta gần Chúa hơn.
Mục sư Nguyễn Xuân Sơn
0 Lời bình