Giáng Sinh mang đến cho chúng ta những hình ảnh ấm áp và quen thuộc. Tôi thường nhớ lại những ngày còn thiếu niên, chạy xe máy lòng vòng trên các con đường quận Nhất của Sài Gòn vào ban đêm. Chỉ cần nhìn dòng người tấp nập ngoài đường là lòng đã thấy vui. Khi sang Hoa Kỳ, những dòng xe máy ấy được thay thế bằng nhạc Giáng Sinh vang lên ở các khu chợ, cửa hàng, và hình ảnh cây thông Noel trong phòng khách. Ngay từ những ngày đầu tháng Mười Hai, không khí Giáng Sinh đã làm lòng người rộn ràng.
Vào thời gian này, tại các nhà thờ, chúng ta bắt đầu nghe những bài giảng về các lời tiên tri trong sách Ê-sai, Ma-la-chi và nhiều sách khác trong Cựu Ước nói về sự Giáng Sinh của Chúa Giê-xu. Chúa thường dùng những hình ảnh, câu chuyện quen thuộc ấy để chuẩn bị tấm lòng chúng ta, giúp chúng ta tiếp nhận Con Trời một cách trọn vẹn trong sự hy vọng, bình an, vui mừng, yêu thương. Câu chuyện trong Tân Ước về gia đình thầy tế lễ Xa-cha-ri, vợ ông Ê-li-sa-bét cùng sự ra đời của Giăng Báp-tít chắc chắn không thể thiếu trong dịp này. Lời thiên sứ Gáp-ri-ên đã nói về sứ mạng của Giăng Báp-tít: “chính người lại sẽ lấy tâm thần quyền phép Ê-li mà đi trước mặt Chúa, để đem lòng cha trở về con cái, kẻ loạn nghịch đến sự khôn ngoan của người công bình, đặng sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng” (Lu-ca 1:17). Trong bài viết ngắn này, tôi muốn đề cập một cách tổng quát về sự ăn năn, vốn là trọng tâm trong sứ mạng của Giăng Báp-tít.
Công việc của Giăng được ghi lại như sau: “Giăng bèn dạo qua hết thảy miền lân cận sông Giô-đanh, giảng dạy phép báp-tem về sự ăn năn để được tha tội” (Lu-ca 3:3). Giăng nhấn mạnh đến kết quả của sự ăn năn qua lời kêu gọi: “Hãy chứng tỏ bằng việc làm rằng anh em đã thật sự ăn năn” (Ma-thi-ơ 3:8. Bản Phổ Thông – BPT 2013). Ma-thi-ơ kể thêm lý do: “Các ngươi phải ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần!” (Ma-thi-ơ 3:2). Tương tự, Phúc âm theo Lu-ca cũng nhấn mạnh: “Hãy kết quả để chứng tỏ mình đã thực sự ăn năn” (Lu-ca 3:18a – BPT). Khi Giăng bị giam trong tù, Chúa Giê-xu nhắc lại sứ điệp của ông về khải tượng Nước Trời, sự ăn năn và tiếp nhận Tin Mừng: “Thời đã điểm. Nước Trời đã gần kề. Ai nấy hãy ăn năn và tiếp nhận Tin Mừng!’” (Mác 1:15 – BPT).
Động từ ăn năn trong Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp là metanoeo. Từ này được tạo thành từ hai phần: “meta” có nghĩa là “sau” hoặc “vượt qua”, và “noeo” có nghĩa là “suy nghĩ” hoặc “nhận thức”. Vậy, ăn năn có nghĩa là thay đổi sự suy nghĩ hay nhận thức. Trong Cựu Ước, nếu một người hay một dân tộc quay trở lại cùng Chúa thì Ngài sẽ động lòng đổi ý mà không phạt người đó, dân tộc đó, như trong Giô-ên 2: 13 có chép: “Đừng xé quần áo các ngươi mà hãy xé lòng các ngươi. Hãy trở lại cùng CHÚA là Thượng-Đế ngươi, vì Ngài rất nhân từ, đầy lòng thương xót. Ngài có thể đổi ý về việc trừng phạt.” Thi-thiên 103:8 xác nhận điều nầy: “Chúa đầy lòng thương xót và nhân từ. Ngài chậm giận, giàu tình yêu. Không phải lúc nào Ngài cũng luôn luôn bắt tội chúng ta, Ngài không căm giận mãi.”
Ăn năn không chỉ là một hành động hay một cảm xúc trong một khoảnh khắc, mà là một quá trình thể hiện sự thay đổi trong tư tưởng, với kết quả là sự thay đổi trong hành động của mình. Sự ăn năn này cần phải được thực hiện ngay lập tức vì “Thời đã điểm”, cũng có nghĩa là “Thời kỳ thuận tiện đã được trọn”, đây là cơ hội tốt lành. Đừng để lỡ cơ hội, hãy nắm bắt nó ngay bây giờ. Sự ăn năn liên quan đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta, từ cá nhân đến gia đình, hội thánh, cộng đồng và dân tộc. Vì vậy, chúng ta phải bắt đầu ngay.
Câu chuyện người con trai hoang đàng Chúa Giê-xu kể được chép trong Phúc Âm Lu-ca 15: 11-32 là một ví dụ tuyệt vời về sự năn năn. Cuộc đời của người con trai hoang đàng có thể minh họa bằng hình chữ V. Phần bên trái của chữ V là sự đi xuống trong cuộc đời anh, khi anh xa nhà cha, sống sai trật và chịu khốn khổ. Đáy của chữ V là lúc anh tỉnh ngộ, nhận ra tình trạng của mình và nhớ lại hình ảnh tốt đẹp của nhà cha. Phần bên phải của chữ V là quyết định ăn năn, tìm sự tha thứ và quá trình quay về nhà cha. Hình chữ V thể hiện sự thay đổi từ sai lầm, khổ đau đến sự hối cải và quay lại với sự sống. Chữ V này cũng là quá trình của sự ăn năn của mỗi người chúng ta.
Tiến sĩ John Sung, một chuyên gia hóa học (Ph.D. Organic Chemistry, Đại học Bang Ohio), mà chúng ta thường gọi một cách quen thuộc là Bác sĩ Tống Thượng Tiết, sau khi vào học tại trường Thần học tại Union Theological Seminary of New York một thời gian đã rời trường vì không hài lòng với nền thần học tự do của trường. Ông trở về phục vụ Chúa tại Trung Hoa. Ông đã viếng thăm Đông Nam Á trong khoảng thời gian từ 1935 đến 1940, và Chúa đã dùng ông để dấy lên một cuộc phục hưng lớn ở Việt Nam. Ông nội của tôi, cố Mục sư Nguyễn Văn Tầm, thường kể về những buổi nhóm truyền giảng của Tiến sĩ Tống Thượng Tiết. Chủ đề quan trọng và xuyên suốt trong các bài bài giảng của ông ấy là sự ăn năn. Cách giảng của ông rất thực tế – khi nói về tội lỗi, ông dùng các sợi dây để trói buộc hai tay của mình; khi nói về sự ham mê tiền bạc dẫn đến cái chết, ông mang một chiếc quan tài trống ra giữa hội chúng…. Tiến sĩ Tống Thượng Tiết luôn giúp người nghe ăn năn, đưa ra những cam kết mạnh mẽ với Chúa và thành lập các nhóm truyền giảng. Có lẽ sứ điệp về sự ăn ăn của ông rất mạnh mẽ và xuyên suốt, nên ông được mệnh danh là “Giăng Báp-tít của Trung Hoa”.
Có lẽ chúng ta đã rơi nước mắt khi lần đầu tiên biết Chúa trong khoảnh khắc tiếp nhận Ngài. Nhưng điều này không nên dừng lại ở đó. Chúa mong muốn chúng ta thay đổi cách suy nghĩ và tiếp tục bước đi trong sự biến đổi mà Ngài kêu gọi. Mùa Giáng Sinh năm nay, một lần nữa, chúng ta lại suy ngẫm về tấm lòng tha thứ vô biên của Đức Chúa Trời. Ngài sẵn lòng tha thứ cho chúng ta, đến nỗi đã sai Con Ngài đến thế gian trong hình hài em bé được đặt trong máng cỏ trong đêm Giáng Sinh. Đấng ấy sống 33 năm trên trần thế, chịu nhiều thử thách, đau khổ và cuối cùng đã chết trên cây thập tự cách đau đớn để chuộc tội cho nhân loại. Ước mong mỗi chúng ta biết cảm kích trước tấm lòng tha thứ ấy, hết lòng ăn năn, từ bỏ những tội lỗi còn vấn vương, sống một đời sống mới đẹp lòng Ngài. Lời Chúa hứa trong Giô-ên 2:13b vẫn không đổi: “Hãy trở lại cùng CHÚA là Thượng Đế ngươi, vì Ngài rất nhân từ, đầy lòng thương xót. Ngài nén giận và có tình yêu lớn. Ngài có thể đổi ý về việc trừng phạt”.
Chúc bạn và gia đình một mùa Giáng Sinh đầy phước hạnh, bình an và tràn ngập tình yêu Thiên Chúa.
Mục sư Nguyễn Thanh Tuyền
Giám đốc học vụ
Bản tin UUC, tháng 12/2024
0 Comments