Những người chăn chiên nghèo là những người đầu tiên bên ngoài gia đình Chúa Giê-xu nhận được Tin Mừng và chứng kiến sự giáng sinh của Ngài (Lu-ca 2:8-20). Họ cũng là những người đầu tiên truyền bá Phúc Âm trong Tân Ước. Lu-ca 2:16-18 chép rằng: “Họ vội vã ra đi, tìm thấy Ma-ri, Giô-sép, cùng với Hài Nhi đang nằm trong máng cỏ. Thấy vậy, họ thuật lại những điều đã được báo về Hài Nhi. Nghe những người chăn chiên nói thế, mọi người đều lấy làm lạ”.
Trong xã hội ngày nay, người ta thường nghĩ rằng để tạo ra ảnh hưởng thì cần phải dựa vào sức mạnh và quyền lực trần gian. Tuy nhiên, đường lối của Đức Chúa Trời lại thường đi ngược với suy nghĩ chúng ta. Phúc Âm Lu-ca nói riêng và toàn bộ Kinh Thánh nói chung bày tỏ một Thiên Chúa thương yêu người nghèo, và Ngài thường dùng những con người bình dị, nghèo khó để làm nên sự thay đổi lớn lao, biến đổi cả thế giới. Gia-cơ tiết lộ cho chúng ta về phương cách của Đức Chúa Trời: “Hỡi anh em rất yêu-dấu, hãy nghe nầy: Đức Chúa Trời há chẳng lựa kẻ nghèo theo đời nầy đặng làm cho trở nên giàu trong đức-tin, và kế-tự nước Ngài đã hứa cho kẻ kính-mến Ngài hay sao?” (Gia-cơ 2:5).
Chúa Giê-xu luôn quan tâm đến người nghèo.
Khi đọc các sách Phúc Âm, chúng ta dễ dàng nhận thấy một Đấng Christ đầy lòng thương yêu dành cho những người nghèo khó – trong đời sống vật chất và trong đời sống tâm linh. Những sự dạy dỗ và công tác của Ngài xuyên suốt Phúc Âm bày tỏ về một Đức Chúa Trời giàu lòng thương xót đối với những kẻ khó khăn.
Trong Lu-ca 4:18-19, Chúa Giê-xu công bố sứ mệnh của Ngài: “Thánh Linh của Chúa ở trên tôi, vì Ngài đã xức dầu cho tôi để loan báo tin mừng cho người nghèo. Ngài đã sai tôi đến để công bố sự tự do cho những người bị giam cầm và phục hồi thị lực cho người mù, để giải thoát những người bị áp bức, để công bố năm ân huệ của Chúa”. Ở đây, chúng ta thấy trọng tâm của Tin Mừng là một mệnh lệnh thiêng liêng để nâng đỡ những người bị áp bức, kẻ khó khăn, mang lại hy vọng cho những người tuyệt vọng.
Qua câu chuyện người Sa-ma-ri nhân lành được chép trong Lu-ca 10:25-37, Chúa Giê-xu muốn dạy chúng ta rằng: người lân cận của chúng ta là bất kỳ ai đang cần sự giúp đỡ, không phân biệt xuất thân, hay địa vị. Tình thương yêu và hành động giúp đỡ này vượt qua mọi ranh giới xã hội, mời gọi chúng ta yêu thương như chính Ngài đã yêu thương.
Chắc hẳn chúng ta rất quen thuộc với ẩn dụ về ngày phán xét được chép trong Ma-thi-ơ 25:34-45. Chúng ta ngày nay nào có thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống… Tuy nhiên, chúng ta hiểu một điều rằng, tình yêu thương và sự giúp đỡ dành cho những người nghèo khổ, bất hạnh, yếu đuối chính là hành động phục vụ Chúa; và ngược lại, sự thờ ơ với họ chính là từ chối chính Ngài.
Chúng ta muốn truyền giảng? Chúng ta muốn mọi người biết đến Chúa và tôn vinh Ngài? Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 5:16 là một sự nhắc nhở quý giá về đời sống đức hạnh và việc lành của người Cơ Đốc:“Cũng vậy, ánh sáng các ngươi phải tỏa rạng trước mặt người ta để họ có thể thấy những việc tốt đẹp của các ngươi mà tôn vinh Cha các ngươi trên trời”.
Gia-cơ hiểu rõ giá trị của hành động và việc lành, nên ông viết một cách tha thiết rằng: “Thưa anh chị em của tôi, nếu một người nói mình có đức tin nhưng không có các hành động, thì đức tin ấy có ích gì chăng? Đức tin ấy có thể cứu người đó chăng? Nếu anh em hay chị em nào thiếu cơm ăn và áo mặc hằng ngày, mà ai trong anh chị em bảo người ấy, “Hãy đi bình an, hãy mặc cho ấm, và hãy ăn uống đầy đủ”, nhưng không cho người ấy những thứ thân xác người ấy đang cần, thì những lời nói đó có ích gì chăng? Đức tin cũng vậy, nếu nó không có các hành động thì chỉ là đức tin chết”. Gia-cơ 2:14-17
Không chỉ trong Tân Ước, nếu tra xét Cựu Ước chúng ta có thể nhận thấy Đức Chúa Trời đặt để người nghèo một vị trí đặc biệt trong lòng Ngài. Châm ngôn 19:17 chép rằng:“Ai thương-xót kẻ nghèo, tức cho Đức Giê-hô-va vay-mượn; Ngài sẽ báo lại việc ơn-lành ấy cho người”.
Khi suy ngẫm về Tin Mừng của Chúa Giê-xu dành cho người nghèo, chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta được kêu gọi làm sứ giả của tình yêu và ân sủng của Ngài. Chúng ta phải công bố tin mừng, mang lại hy vọng và bênh vực những người đang đau khổ. Chúng ta đừng chỉ nói về người nghèo, mà hãy chủ động dấn thân vào cuộc sống của họ, lắng nghe câu chuyện của họ và đồng hành với họ trong những thách thức mà họ đối mặt.
Mục sư Bob Pierce, người sáng lập tổ chức Tầm Nhìn Thế Giới (World Vision), là một trong những người dấn thân vì người nghèo mà chúng ta nên học hỏi. Ông đã khởi đầu sứ mạng truyền giáo của mình bằng lời cầu nguyện: “Xin hãy để lòng con tan vỡ bởi những điều làm tan vỡ lòng của Đức Chúa Trời”. Năm 1950, trong thời kỳ chiến tranh tại Hàn Quốc, ông bắt đầu công tác với 5 đô la (tương đương 65-70 đô la ngày nay) để giúp đỡ một em bé mồ côi. Hiện nay, World Vision đã hỗ trợ hơn 3,5 triệu trẻ em tại hơn 100 quốc gia.
Dân tộc Việt Nam cần Tin Mừng của Chúa
Chúng ta hãy cùng điểm qua một số thực trạng đáng chú ý trong xã hội Việt Nam hiện nay, hầu cho lòng chúng ta càng thêm thương yêu và cưu mang cho dân tộc mình.
Về kinh tế và xã hội: Sự chênh lệch giàu nghèo tại Việt Nam ngày càng rõ rệt. Theo dữ liệu được thu thập từ Cơ sở dữ liệu về Bất bình đẳng Thế giới, năm 2021, top 5% người giàu nhất Việt Nam sở hữu tới 46,9% tài sản. Trái lại, 50% những người nghèo nhất chỉ sở hữu 5,6% tài sản.[1]
Vấn đề tâm lý: Theo thông tin từ Bộ Y tế, có khoảng 14 triệu người Việt Nam bị rối loạn tâm thần. [2]
Vấn đề hôn nhân – gia đình: Theo Trung tâm Tư vấn Giáo dục Tâm lý Thể chất Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình 2,7 cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn. Tuổi ly hôn dưới 30 chiếm tỉ lệ cao và cứ tăng lên mỗi năm. Con số ly hôn tăng không chỉ ở thành thị mà cả ở các vùng nông thôn.[3]
Vấn đề giáo dục: Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tháng 8/2022, “trong số 6,9 triệu học sinh sau trung học, hơn 2 triệu (28,6%) học sinh theo học vào các trường đại học và cao đẳng (tức có khoảng 4 triệu em không thể vào đại học). Lý do cản trở việc theo đuổi giáo dục đại học của các học sinh là học phí cao, lợi nhuận thấp”. [4] Và Năm 2024, hơn 122.000 trong khoảng 673.600 thí sinh thi đỗ đại học nhưng không xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo. [5]…
Chúng ta suy tư gì về thực trạng trên? Cầu xin Chúa cho tấm lòng của chúng ta rộng mở, bàn tay của chúng ta sẵn sàng để đến với những người khó khăn chung quanh mình. Và chính mỗi linh hồn của chúng ta phải được hướng dẫn bởi những lời dạy của Chúa, Đấng đã đến để cứu chúng ta khỏi sự nghèo đói tâm linh để có đời sống thỏa mãn trong Ngài:“Nhưng trước hết hãy tìm kiếm vương quốc Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, để các ngươi sẽ được ban thêm mọi điều ấy nữa”. (Ma-thi-ơ 6:33).
Kỷ niệm sự Giáng Sinh của Cứu Chúa Giê-xu năm nay, chúng ta một lần nữa được nhắc nhở về sứ mạng mà Ngài đã giao phó: “Hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người.” (Mác 16:15). Là môn đệ của Chúa Giê-xu, chúng ta hãy trung tín thực hiện điều Ngài muốn, bắt đầu từ những người nghèo. Dĩ nhiên, Chúa không quên những người giàu có hay quyền thế—những người nhận ra sự nghèo khó trong tâm linh mình như Ni-cô-đem, Ma-thi-ơ, Xa-chê…, nhưng người nghèo vẫn còn rất nhiều xung quanh chúng ta, là những người khao khát sự thỏa mãn và cần niềm hy vọng nhiều hơn hết. Mỗi cá nhân, hội thánh, và các sinh viên thần học không thể quên sứ mạng này trong đời sống phục vụ Chúa. Hãy để ánh sáng của những việc lành chiếu rọi, để mọi người nhìn thấy Tin Mừng mà đến với Chúa, thờ phượng và tôn vinh Ngài.
Mục sư Nguyễn Xuân Sơn
Giám đốc điều hành
Bản tin UUC, tháng 12/2024
[1] https://vietnamnet.vn/co-bao-nhieu-tien-thi-lot-top-5-giau-nhat-viet-nam-2080679.html
[2] https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/viet-nam-co-khoang-14-trieu-nguoi-roi-loan-tam-than?inheritRedirect=false
[3] https://baophapluat.vn/bao-dong-tinh-trang-ly-hon-gia-tang-post493263.html
[4] https://vnexpress.net/ty-le-hoc-sinh-viet-vao-dai-hoc-cao-dang-thap-4508007.html
[5] https://vnexpress.net/hon-122-000-thi-sinh-do-dai-hoc-nhung-bo-nhap-hoc-4786441.html
0 Comments